3 điều cần tránh khi MOM bắt đầu cho bé ăn dặm

Trong 1000 ngày đầu đời, cơ thể trẻ phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng, đòi hỏi dung nạp đủ 4 nhóm chất là bột đường, đạm, béo, vitamin & khoáng chất cùng bộ đôi lợi khuẩn – chất xơ. Vì thế, bổ sung đủ dưỡng chất trong giai đoạn này rất quan trọng.

Khi con chuẩn bị bước vào tuổi ăn dặm, bố mẹ cần tìm hiểu kỹ lưỡng thông tin để cho con phát triển tốt nhất. Dưới đây là 3 điều cần tránh khi bắt đầu cho trẻ ăn dặm.

Tránh cho trẻ ăn dặm sớm

Hiện nay, các bà mẹ thường có xu hướng cho trẻ ăn dặm sớm (trước 6 tháng) với suy nghĩ rằng”nếu cho con ăn dặm càng sớm thì trẻ càng được cung cấp thêm nhiều chất dinh dưỡng và phát triển tốt hơn”. Vì vậy, không ít các mẹ cho con ăn dặm từ khi bé chỉ mới 4 tháng tuổi và nếu con hợp tác thì sẽ cho bé ăn nhiều hơn.

Tuy nhiên, theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trẻ nên bắt đầu ăn dặm khi tròn 6 tháng tuổi, vì trước 6 tháng tuổi, cấu trúc và chức năng hệ tiêu hóa của trẻ chưa được hoàn thiện, rất khó tiêu hóa trọn vẹn thức ăn khác ngoài sữa mẹ.

Theo chuyên gia dinh dưỡng – Ths.BS. Nguyễn Viết Quỳnh Thư, nếu phải ăn sớm, đường ruột còn non yếu của trẻ rất dễ bị rối loạn, dẫn bị đau bụng, tiêu chảy, khó hấp thu, chuyển hóa và thải trừ. Không chỉ vậy, một số cơ quan khác như gan và thận cũng phải hoạt động hết công suất dẫn đến nguy cơ quá tải và ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe trẻ.

Mặt khác, theo Cơ quan y tế quốc gia Anh (NHS), sữa mẹ có thành phần dinh dưỡng hoàn hảo cho bé trong 6 tháng đầu đời. Nếu ăn dặm sớm, lượng sữa trẻ bú mẹ sẽ giảm, dẫn tới trẻ dễ bị suy dinh dưỡng, ốm vặt do vừa bỏ lỡ nguồn dinh dưỡng từ sữa mẹ vừa chưa hấp thu tốt dưỡng chất từ ăn dặm.

Trẻ uống sữa (Ảnh: Internet)

Tránh thay thế sữa cho những bữa ăn dặm của trẻ

Thay thế bữa ăn dặm cho trẻ bằng sữa là lựa chọn của nhiều ông bố, bà mẹ khi quá bận rộn mà trẻ lại không hợp tác trong ăn uống.

Theo bác sĩ Nguyễn Viết Quỳnh Thư, mặc dù sữa thay thế thức ăn trong giai đoạn đầu ăn dặm vẫn có thể đảm bảo trẻ được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, thế nhưng trẻ sẽ không có cơ hội làm quen với thức ăn, cũng như không có các kỹ năng ăn và tự chủ trong việc thiết lập hành vi ăn uống của bản thân.

Quan trọng hơn, giai đoạn này là thời điểm mà vị giác và khứu giác của trẻ hình thành nên sự yêu thích và trải nghiệm. Vậy nên cần đa dạng thực phẩm và khẩu vị cho trẻ, giúp cung cấp đầy đủ dưỡng chất, góp phần hình thành thói quen ăn uống tốt,và phát triển tối ưu thể chất cho trẻ.

Nếu trẻ không thích ăn cháo, mẹ có thể đổi sang các loại bột ăn dặm. Bắt đầu với dạng bột mịn, khi bé đã thích nghi, bố mẹ có thể chuyển sang dạng đặc hơn. Đồng thời, mẹ kiên nhẫn cho trẻ ăn đúng bữa cố định để việc ăn dặm của trẻ dễ dàng hơn.

Tránh chế biến sai cách

Bố mẹ tự chuẩn bị món ăn sẽ giúp đảm bảo vệ sinh, hợp khẩu vị trẻ tuy nhiên cần chú ý kết hợp đủ 4 nhóm chất là bột đường, đạm, béo, vitamin & khoáng chất cùng bộ đôi lợi khuẩn – chất xơ.

Bên cạnh đó, bố mẹ cần phải tìm hiểu kỹ về từng thành phần công thức kết hợp trong các món ăn để đảm bảo trẻ được bổ sung đúng, đủ, cân đối các nhóm dưỡng chất.

“Việc chế biến sai cách có thể làm giảm hàm lượng hoặc thậm chí mất đi một số dưỡng chất trong món ăn. Vì thế, bố mẹ có thể tìm hiểu thêm các kiến thức về dinh dưỡng hoặc có thể tham khảo các lời khuyên của chuyên gia dinh dưỡng”, bác sĩ Quỳnh Thư nhấn mạnh.

Nếu tự chuẩn bị thức ăn, mẹ cần phải tìm hiểu kỹ về từng thành phần công thức kết hợp trong các món ăn

Ăn dặm là giai đoạn quan trọng trong quá trình phát triển toàn diện của trẻ nhỏ. Do đó, mỗi bậc phụ huynh cần tránh những sai lầm trên để giúp trẻ phát triển khỏe mạnh mỗi ngày.

Tham khảo: https://tuoitre.vn/3-dieu-can-tranh-khi-bat-dau-cho-tre-an-dam-20231118080945934.htm

MXH